Xuất bản thông tin

null Đồng Tháp quyết tâm thực hiện đạt chỉ tiêu tăng trưởng 7%

Trang chủ Sự kiện nổi bật

Đồng Tháp quyết tâm thực hiện đạt chỉ tiêu tăng trưởng 7%

Tại cuộc họp trực tuyến Ủy ban nhân dân tỉnh thường kỳ tháng 6 vào sáng ngày 08/7, lãnh đạo Uỷ ban nhân dân tỉnh, các sở, ngành và địa phương đã tập trung đánh giá, phân tích giải pháp thực hiện nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm để hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, xây dựng kế hoạch năm 2022.

Tăng trưởng tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm 2021 của tỉnh Đồng Tháp ước đạt 4,44%, tăng cao hơn cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực nông - lâm - thủy sản tăng 2,73%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 4,69%; khu vực thương mại - dịch vụ tăng 5,73%.

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhiều biện pháp phòng, chống dịch đã làm hạn chế hoạt động kinh tế. Nếu dịch bệnh sớm được kiểm soát, các hoạt động kinh tế trở lại bình thường, tăng trưởng GRDP năm 2021 của tỉnh có thể đạt được 6% - 7%.

Để đạt được chỉ tiêu tăng trưởng 7% vào cuối năm 2021, tốc độ tăng trưởng GRDP 6 tháng cuối năm của tỉnh phải đạt là 9,24% (khu vực nông - lâm - thủy sản tăng 4,53%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 13,72%; khu vực thương mại - dịch vụ tăng 10,87%).

Trong lĩnh vực nông nghiệp, ông Nguyễn Phước Thiện – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, ngành nông nghiệp đang phấn đấu giá trị tăng thêm nông, lâm, thuỷ sản cả năm đạt 19.918 tỷ đồng, tăng 3,70% so cùng kỳ (giá trị sản xuất đạt 45.782 tỷ đồng).

Trong đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung phát triển diện tích gieo trồng vụ Thu Đông: 120 nghìn ha lúa, sản lượng đạt 3,29 triệu tấn; hoa màu trên 07 nghìn ha, phát triển mô hình sản xuất nấm kết hợp với dự án điện năng lượng mặt trời; hoa kiểng đạt trên 648 ha, khuyến khích chuyển dịch cơ cấu sang giống hoa cho giá trị cao phục vụ thị trường Tết; cây ăn trái thêm 3,9 nghìn ha, hợp tác với doanh nghiệp xây dựng phương án tiêu thụ; phát triển mô hình chăn nuôi phù hợp với dự án năng lượng điện mặt trời v.v..

Đối với ngành Công Thương, lãnh đạo Sở Công Thương cho hay, trong 6 tháng cuối năm, ngành sẽ hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện tốt công tác phòng chống dịch Covid-19 nhằm ổn định sản xuất kinh doanh; kịp thời tham mưu và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử; phát huy tối đa công suất 09 dự án đã đi vào hoạt động, đưa 05 dự án đang vận hành thử vào hoạt động chính thức.

Song song đó, ngành Công Thương sẽ hoàn thiện phương án phát triển Cụm công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 để làm cơ sở kêu gọi đầu tư hạ tầng công nghiệp; phát triển năng lượng tái tạo, triển khai kế hoạch thực hiện Đề án thí điểm mô hình điện mặt trời kết hợp với trồng cây nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh v.v..

Bên cạnh 13 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong 6 tháng cuối năm 2021, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Phạm Thiện Nghĩa yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19, trong đó, chủ động chuẩn bị phương án cách ly tập trung, việc cách ly tại nhà sẽ giao Sở Y tế phối hợp địa phương thí điểm; ưu tiên cho vận chuyển hàng hoá và hoạt động của doanh nghiệp.

Trong phát triển kinh tế, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, khai thác hiệu quả sản xuất lúa, thuỷ sản, cây ăn trái, hoa màu; tập trung khôi phục sản xuất tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh; kích hoạt các doanh nghiệp mới đi vào hoạt động v.v.. Làm được điều này sẽ tạo ra giá trị sản xuất ở các khu vực là rất lớn và đóng góp cho tăng trưởng chung.

Ông Phạm Thiện Nghĩa đề nghị các sở, ngành, địa phương tháo gỡ vướng mắc đối với các dự án tỉnh đã cấp phép đầu tư để sớm đi vào hoạt động; chuẩn bị các dự án để xúc tiến đầu tư.

Người đứng đầu Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu nâng cao trách nhiệm người đứng đầu để giải ngân vốn đầu tư công đạt kế hoạch đề ra, kích thích đầu tư tư nhân; chủ động chuẩn bị các thủ tục đầu tư dự án giai đoạn 2021 – 2025; tiếp tục đổi mới các mô hình, đặc biệt là đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; triển khai sớm gói hỗ trợ của Chính phủ đối với người lao động và người sử dụng lao động khó khăn do Covid-19.

Về xây dựng nông thôn mới, không trông chờ vào nguồn vốn nhà nước – ông Phạm Thiện Nghĩa nhấn mạnh và yêu cầu địa phương phải khơi dậy tinh thần, nâng cao nhận thức của người dân đồng hành cùng chính quyền để thực hiện chương trình.

Với quyết tâm thực hiện mục tiêu kép, “vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội”, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Phạm Thiện Nghĩa tin tưởng các sở, ngành tỉnh, địa phương sẽ nỗ lực, đồng lòng để thực hiện đạt các chỉ tiêu đề ra với kết quả cao nhất.

Có thể bạn quan tâm